Lễ hằng thuận là gì

Lễ hằng thuận là gì
Thời gian gần đây, chúng mình có vinh dự được tham gia nhiều lễ hằng thuận của các cặp đôi. Vậy lễ Hằng Thuận là gì? và tại sao nhiều cặp đôi lựa chọn nghi lễ này là một trong những việc cần chuẩn bị cho đám cưới.
Lễ hằng thuận là gì – ý nghĩa của lễ hằng thuận
“Hằng thuận có nghĩa là đôi vợ chồng luôn sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ người chồng trong đời sống gia đình”
Lễ hằng thuận là nghi thức đặc biệt dành riêng cho nghi lễ hôn nhân được tổ chức tại chùa. Lễ nghi của buổi lễ này cũng gần giống như một đám cưới thông thường: tuyên bố lý do, Lễ cầu phúc cho cặp đôi, trao nhẫn cưới, và nhận lời chúc tụng của hai họ.
Xuất xứ của Lễ Hằng Thuận
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương.
Ông vốn là một nhà Nho, sau quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ, việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Năm 1930, bác sỹ phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm – Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta.
Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ hằng thuận. Theo tên gọi, thì “hằng” là thường xuyên, là luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống.
5 bổn phận của vợ chồng đối với nhau theo quan niệm của Phật giáo
Người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ:
1. Phải biết tôn trọng vợ
2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ
3. Phải chung thủy, trung thành với vợ
4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý
5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện
Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng:
1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà
2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng
3. Phải luôn chung thủy với chồng.
4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà.
5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.
Những lưu ý khi tổ chức lễ hằng thuận tại chùa
- Thông báo đến nhà chùa nơi sẽ tổ chức lễ Hằng Thuận rằng hai bạn đã quy y và có pháp danh hay chưa. Nếu chưa có, cô dâu chú rể có thể tranh thủ đến chùa để làm lễ quy y trước ngày cưới, trường hợp quá bận không thể thu xếp thời gian, chủ trì buổi lễ sẽ tiến hành phần này trong lễ chính thức.
- Địa điểm tổ chức lễ Hằng Thuận tốt nhất là nơi cô dâu chú rể quy y vì với mối quan hệ quen biết từ trước, khung cảnh nhà chùa yêu thích và các chư tăng, Phật tử, bạn sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi ở đây.
- Nên dành thời gian đến chùa bàn bạc trước về buổi lễ để mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và đúng với mong muốn của đôi uyên ương. Cả hai nên đến cùng nhau, hoặc có thể đi cùng người lớn đại diện của hai bên gia đình.
- Lễ Hằng Thuận thường sẽ được các vị chư tăng, Phật tử chuẩn bị giúp. Tuy nhiên, một số phần trong phạm vi mong muốn của đôi uyên ương, nhà chùa có thể để bạn chọn lựa những gì yêu thích như màu sắc, kiểu dáng, loại hoa trang trí hoặc loại trà, bánh dùng nhẹ khi kết thúc phần lễ.
- Bạn có thể tham gia quá trình chuẩn bị này từ đầu đến cuối nếu là một người luôn muốn chu toàn cho đám cưới của mình. Hoặc nếu cần kinh nghiệm, có thể đến chùa trước đó để xem cách tổ chức cho những cặp đôi khác nhằm tham khảo và học hỏi.
- Lưu ý trước với khách mời dự lễ Hằng Thuận về trang phục cần kín đáo trang trọng, lời nói nhỏ nhẹ từ tốn để giữ không khí trang nghiêm cho buổi lễ cũng như nơi tôn nghiêm đạo giáo. Điều này đặc biệt cần thiết với những người ít hoặc chưa từng đến chùa dự lễ tương tự hoặc với khách mời có con nhỏ.
- Một số nơi chỉ tổ chức phần lễ cho đôi tân giai nhân, có chuẩn bị trà bánh lót dạ sau đó chứ không tổ chức tiệc ngay trong khuôn viên chùa. Vì thế, bạn cần tham khảo trước điều này để có kế hoạch đặt tiệc chay ở nơi khác hoặc chọn ngôi chùa có tổ chức lễ lẫn tiệc dành cho khách mời. Lưu ý này dành cho những cô dâu chú rể không có nhiều thời gian di chuyển, mất thêm ngày đãi tiệc cưới hoặc thích sự gọn gàng, đơn giản, tránh phô trương.
Cũng với lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới, lễ hằng thuận cũng có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho cặp đôi có một nền tảng ý thức tốt nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong thời buổi hiện đại, nhiều gia đình coi trọng lễ hằng thuận như hôn lễ chính thức tại đại sảnh.