Tìm hiểu về nghi thức đưa đón dâu của Việt Nam

Tìm hiểu về nghi thức đưa đón dâu của Việt Nam
Nghi thức rước dâu của mỗi vùng sẽ có một số thủ tục khác nhau. Ngày nay, một số công đoạn của nghi thức rước dâu đã được giảm bớt, đơn giản hơn để thuận lợi cho cả hai nhà. Tuy nhiên một số thủ tục vẫn được duy trì đến ngày nay. Hãy cùng Yêu Media tìm hiểu trình tự trong nghi thức rước dâu nhé!
Nghi thức xin dâu tại nhà gái
Lễ xin dâu
Thông thường, người lớn hai bên gia đình đều xem giờ lành để đến xin dâu, rước dâu. Trước khi tới giờ hoàng đạo, các thủ tục phải thực hiện xong và theo quy tắc “đi hơn về kém”.
Đầu tiên, người đại diện họ nhà trai sẽ mang lễ vật xin dâu sang nhà gái, thường là cơi trầu và lễ đen. Gia đình nhà gái sẽ nhận lễ và đặt lên bàn thờ, thưa với tổ tiên.
Lễ gia tiên tại nhà gái
Sau khi tiến hành lễ xin dâu, đoàn đón dâu nhà trai sẽ vào nhà gái và được họ hàng, gia đình nhà gái mời nước, mời trầu.
Lúc này, đoàn nhà trai sẽ giới thiệu thành phần và phát biểu xin đón cô dâu về làm con cháu trong gia đình. Tùy vào từng vùng miền mà đoàn đón dâu sẽ có cả mẹ chú rể theo quan niệm “cha đưa mẹ đón”.
Phát biểu xong, chú rể được phép lên phòng đón và tặng hoa cưới cho cô dâu. Ở một số nơi, chú rể muốn được vào phòng thì phải có phong bao lì xì cho các em, các cháu và bạn cô dâu đứng canh cửa.
Tiếp đến, bố cô dâu, đại diện nam giới nhà gái sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Thưa với tổ tiên rằng con gái lớn trong nhà đã đi lấy chồng và giới thiệu con rể. Lễ vật cúng trong lễ gia tiên thường là: xôi gà, bánh trái theo mùa,…
Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên thông báo với tổ tiên đã là con cháu trong nhà.
Đưa cô dâu về nhà chồng
Sau khi làm lễ gia tiên xong, chú rể cùng cô dâu sẽ đi mời thuốc, mời nước họ hàng, quan viên hai họ. Chú rể sẽ được cô dâu dẫn tới chào hỏi những người họ hàng gần gũi, bạn bè thân thiết.
Tiếp đến, bố mẹ cô dâu sẽ trao của hồi môn cho con gái như vòng vàng, kiềng, nhẫn, cô, dì, chú, bác cũng có chút quà mừng cho hai vợ chồng.
Đến giờ hoàng đạo, gia đình nhà trai xin phép đón cô dâu về, cô dâu ra khỏi nhà đi thẳng, không được phép ngoái đầu lại. Một số người nhà, bạn bè của cô dâu cũng đưa chô dâu về nhà chồng. Ở một số nơi, bố cô dâu cũng là người đưa con về nhà chồng.
Cô dâu sẽ mang theo tiền lẻ, gạo muối để rặc dọc đường hoặc qua sông, qua cầu phà. Nếu gặp đám cưới đi ngược chiều thì phải đổi hoa cưới.
Video phóng sự cưới lễ đưa rước dâu.
Nghi thức hôn lễ tại nhà trai
Khi cô dâu về tới nhà trai, đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể lên làm lễ gia tiên. Thủ tục tiến hành giống với lễ gia tiên nhà cô dâu. Bố chú rể hoặc đại diện nam giới họ nhà trai sẽ khấn báo tổ tiên, cô dâu chú rể thắp hương lên ban thờ.
Đại diện nhà trai, nhà gái sẽ giới thiệu thành viên là các bô lão, họ hàng gần gũi của hai bên gia đình.
Nhà trai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu chú rể. Mọi người tham gia mời bánh kẹo, chè thuốc, góp vui hôn lễ với các tiết mục văn nghệ.
Tiếp sau, đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể và họ hàng nhà gái lên xem phòng tân hôn để họ hàng nhà gái biết tổ ấm mới của cô dâu. Phòng tân hôn đã được chuẩn bị giường tủ và trang trí cẩn thận, thể hiện bộ mặt của nhà trai. Việc trải ga giường cưới được giao cho một người phụ nữ (có thể là phụ nữ trung niên) có quan hệ thân thích với nhà trai. Người này phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, được nhiều người yêu mến, sinh được cả trai cả gái, với mong muốn cô dâu chú rể sẽ có cuộc sống đầy đủ như vậy.
Bố mẹ chú rể trao quà cưới cho đôi uyên ương.
Ngày nay, đám cưới thường được tổ chức chung tại khách sạn, nhà hàng. Sau khi tiến hành lễ thành hôn, hai họ sẽ cùng tới nơi tổ chức tiệc cưới. Thông thường các thủ tục theo nghi lễ xưa sẽ được tổ chức xong xuôi tại hai nhà trước khi vào tiệc cưới.
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ một số thủ tục trong nghi thức đón, rước dâu. Tùy theo từng địa phương mà các thủ tục có thể thay đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của gia đình hai bên.
Tổng hợp