Trước khi tôi 25
Trước khi tôi 25
Tôi quen một cô bạn, nói thế nào nhỉ, tính cách khá kì lạ. Không biết đối với những người khác, đó là sự kì lạ tiêu cực hay không, nhưng với tôi, là cả sự tiêu cực, tích cực, và đồng cảm.
Cô ấy kể (à mà thật ra không cần cô ấy kể hết, tôi cũng đoán ra được phần nào mọi chuyện xung quang cái tính tình của cô ý), những lúc buồn chán, là sẽ tắt hết điện thoại, máy tính, trốn tránh tất cả mọi thứ xung quanh, cả những người bạn dù là thân nhất. Lý do biến mất thì vô số, từ những việc to tát như học hành, lựa chọn nghề nghiệp, tương lai sẽ ra sao, đến những chuyện nhỏ nhặt như thời tiết… Cô chọn nằm dài trên giường, khóc một chút rồi ngủ quên lúc nào không hay, nghe đi nghe lại danh sách bài hát cho những lần tâm trạng, đọc vài trang sách, xem một bộ phim rồi tự an ủi: ơ sao mình giống nhân vật chính thế; vào bếp làm mấy món bánh đơn giản; hay dắt xe đi lang thang một mình…
Chúng ta tin vào định mệnh, nhưng chính chúng ta là người tạo ra định mệnh...
Cô dùng nhiều trang mạng xã hội lắm, nhưng một khi đã biến mất, thì không thấy bóng dáng đâu cả. Hỏi ra thì cô bảo vẫn theo dõi, vẫn quan tâm xem mọi người ra sao, chỉ là không muốn nói gì… Có những lần, bạn bè cô trêu rằng cô là đứa thất thường lắm, một tuần thì deactive Facebook 2 lần, mỗi lần kéo dài 3 ngày. Cô cũng chỉ cười xòa, vì cũng có sai đâu. Tin nhắn đến thì đọc xong cũng để đó, không trả lời; có khi cũng không dám mở ra. Điện thoại có rung biết bao nhiêu cuộc gọi nhỡ cũng nhất quyết không nghe và không gọi lại.
Với cô, ở cái tuổi 21, là được phép cho mình nhiều lúc vô trách nhiệm với mọi thứ xung quanh như thế, được có không gian riêng của mình. Vì chỉ vài năm nữa, cuộc sống bề bộn hơn sẽ lấy đi nhiều thời gian, từ công việc. Những chuẩn mực của xã hội hay hai chữ trách nhiệm có thể sẽ khiến cô phải gồng mình lên mà đối mặt, giải quyết hết mọi thứ trong khoảng thời gian cho phép.
Không sợ bị đánh giá vì tính cách kì lạ của mình, cô tự nhủ rằng những ai yêu quý, thật sự muốn hiểu thì sẽ mãi ở đó thông cảm, và đôi khi, là chờ đợi.
Cô nói những lúc buồn chán thì cũng chỉ muốn ở một mình thôi, không dám tâm sự với những đứa khác. Mà lý do đưa ra thì ai nghe được xong chắc cũng há hốc miệng ra, vì vừa tức vừa thương cho cái suy nghĩ ngốc nghếch – không dám làm phiền mọi người. Cuộc sống hàng ngày của họ đã đủ nhiều bận rộn, lo toan rồi, những cái buồn vu vơ của mình chỉ càng thêm nặng gánh cho họ. Thi thoảng, thấy cô viết mấy status tâm trạng trên Facebook, nhưng chỉ đúng ba đến năm phút sau, là thấy xóa rồi. Cô bảo viết ra cho tư tưởng mình thêm chút thoải mái, chứ để lâu quá ai nhìn thấy được có khi lại hỏi thăm; mà không viết ra thì thấy bức bách trong người. Ừ thì, lý trí và tình cảm, có mấy khi đồng tình với nhau…
Nhưng cũng có lần, cô tự đặt mình vào vị trí của người khác, khi nhiều lúc phải “quen” với sự biến mất của cô, cô tự thấy mình quá đáng. Vì biến mất không chỉ làm tự khiến bản thân gặm nhấm những nỗi buồn và suy nghĩ mà còn khiến mọi người xung quanh lo lắng. Vì cô được dạy rằng “chia sẻ cũng là sự quan tâm”; cô luôn cho rằng (hay ít nhất mọi người cũng nhận xét thế) mình là người biết quan tâm, vậy mà cứ giữ riêng cho mình một thế giới bí mật tâm trạng, không chia sẻ, tâm sự, thế phải chăng tất cả những gì cô cho là tốt đẹp ở bản thân là không đúng hay sao?
Trưởng thành là không phải là khi ta nói về những điều lớn lao mà ta hiểu được những điều nhỏ bé...
Cái gì cũng có những giới hạn, nhiều lúc tâm trạng thất thường không khỏi ngăn cô muốn trả lời vài tin nhắn hay gọi điện mà khóc lên rằng: “Mày ơi, tao buồn lắm, sắp không chịu được”. Nhưng nghĩ đến việc mọi người đang bận và cũng phải lo lắng cho cái tuổi 21 nhiều cơ hội, lựa chọn, khó khăn này là lại cố gồng mình xuống, chui vào góc nào đó. Cô chưa bao giờ muốn là gánh nặng của ai đó. À, có ai muốn là gánh nặng đâu. Thêm lý do khiến cô “ngại”, đó là kể ra mà không nhận lại được sự thấu hiểu. Cơ mà thôi, chỉ cần được lắng nghe, là đã đủ rồi đúng không?
Chưa hết, cô muốn mất tích, không trả lời mọi người, nhưng lúc nào cũng để ý xem mọi người còn quan tâm hay không. Lúc nào cô cũng lo mọi người lãng quên mình. Không muốn kể cho người khác nghe, nhưng vẫn luôn muốn mọi người kể chuyện của họ, để rồi nếu bình thường trở lại là sẽ hỏi han. Đối lập, kì lạ, và cả ích kỉ thì phải?
Và rồi không ít lần bị bạn bè trách mắng, giận dỗi vì cái sự lì lợm, lạnh lùng; nhưng bản tính cố chấp vẫn khiến cô chọn cách biến mất như một giải pháp mỗi khi gặp chuyện lo lắng hay tâm trạng. Dăm ba bữa, cô xuất hiện lại, lảng tránh mọi câu hỏi, cười nói như không có chuyện gì. Ẩn sâu, cô hy vọng mọi người hiểu cho sự trẻ con đó của mình.
À, giật mình chợt nhận ra, cô gái đó là mình – cô gái của sự biến mất và cách quan tâm tới mọi người khác thường.
Nguồn tham khảo